1 - Thịt ngựa (mã nhục). Tính vị: đắng, cay, nóng, có độc. Tác dụng: làm mạnh gân xương, chữa đau lưng, tê bại, rụng tóc, lở đầu.
2 - CAO XƯƠNG NGỰA: TÁC DỤNG: CHỮA MỆT MỎI, BỒI DƯỠNG CƠ THỂ, BỔ XƯƠNG
3 - Cá ngựa: Còn có tên là hải mã, hải long, thủy mã, tên khoa học là Hippocampus, sống ở dưới nước mặn có đầu hình giống đầu ngựa. Thân cá ngựa dài chừng 15-20cm, có khi tới 30cm, màu trắng vàng hoặc hơi xanh đen. To nhỏ, trắng vàng hoặc màu vàng cũng được dùng làm thuốc, nhưng người ta thường cho rằng loại trắng và vàng là tốt hơn.
Theo Đỗ Tất Lợi ghi trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cá ngựa sống ở dọc bờ biển Việt Nam, đâu cũng có. Ở Việt Nam chỉ có một vài nơi biết dùng làm thuốc (Hòn Gai). Tại Trung Quốc, cá ngựa được dùng làm thuốc và ghi đầu tiên ở bộ sách Bản thảo cương mục thập di của Triệu Học Mẫn (1765).
Quanh năm đều có cá ngựa, nhưng nhiều nhất là tháng 8-9, người ta bắt được cá ngựa khi đi đánh cá, chứ không tổ chức bắt riêng cá ngựa. Sau khi bỏ ruột, uốn đuôi cho cong rồi phơi khô. Chọn những con to nhỏ bằng nhau, rồi buộc từng hai con một, coi như đó là một đôi đực, cái; nhưng thực tế thường không phải.
Tại Hòn Gai (Quảng Ninh), người ta ngâm cá ngựa vào rượu có hồi, quế và một số dược liệu có tinh dầu một thời gian, rồi đem phơi khô.
Trong nhân dân, người ta coi hải mã là một vị thuốc bổ có tác dụng kích thích và giúp cho sự giao cấu được lâu. Thường dùng cho người già yếu, thần kinh mệt yếu, tán bột cho uống. Còn có thể chữa đau bụng, phụ nữ trong khi đẻ mệt yếu, thai ra khó.
Tính chất của hải mã theo Đông y như sau: tính ôn, vị ngọt, không độc, có tác dụng giúp ích phòng sự (giao cấu), tráng dương đạo (cường dương), trị huyết thống.
Ngày dùng 4 đến 12 game dưới dạng thuốc sắc, hoặc sấy khô vàng một đôi cá ngựa tán nhỏ rồi dùng dưới dạng bột hoặc dưới dạng thuốc viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần từ 1 đến 3 gam bột hoặc thuốc viên. Dùng nước hay rượu mà chia thuốc.
Đơn thuốc có cá ngựa: Chữa nam giới liệt dương, nữ giới không có con (bài thuốc kinh nghiệm trong nhân dân): Hải mã có một đôi sấy khô vàng tán bột, ngày uống ba lần, mỗi lần một gam. Dùng rượu mà chiêu thuốc.
4 - Mã đề: Loài cây thảo, lá mọc gần mặt đất hình móng ngựa, hạt dùng làm thuốc. Mã đề còn gọi là đề thảo, xa tiền, nhả én dứt (Thái), suma (Thổ)… Theo thuyết của Lục Cơ (Trung Quốc) thi loại cây này hay mọc ở vết chân ngựa kéo xe, từ đó mà gọi tên là mã đề.
Từ xa xưa mã đề được người dân dùng làm thuốc. Theo sách cổ, mã đề tính hàn, vị ngọt, không độc, vào ba kinh: can, thận và tiểu trường. Tác dụng lợi tiểu, thanh phế, can, phong nhiệt, thẩm bàng quang thất khí, chữa đẻ khó, ho, trừ đờm, chỉ tả (tức là cầm đi ngoài), sáng mắt và dùng làm thuốc bổ.
Trên thực tế, theo sách của giáo sư Đỗ Tất Lợi, mã đề được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, mẳt đỏ đau. Ngày dùng 6 đến 12 gam dưới dạng thuốc sắc. Hay dùng làm thuốc ho cho trẻ em, nhưng có nhược điểm là gây cho trẻ đái dầm.
Trong sách cổ có nói: phàm những người đi quá nhiều, đại tiện táo, không thấp nhiệt, thận hư, nội thương dương khí hạ giáng, thì không cần.
Mã đề còn dùng để đắp ngoài da: dùng lá tươi giã nát đắp mụn nhọt, làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Dùng ngoài không kể liều lượng. Ở Liên Xô (cũ) cũng dùng mã đề tươi để đắp mụn nhọt.
Đơn thuốc có mã đề:
+ Thuốc lợi tiểu: xa tiền tử (hạt mã đề) 10 gam, cam thảo 2 gam, nước 600ml (3 bát). Sắc và giữ sôi trong nửa giờ. Chia ba lần uống ba ngày.
+ Thuốc chữa ho, tiêu đờm: xa tiền thảo 10 gam, cam thảo 2 gam, cát cánh 2gam, nước 400ml. Đun sôi trong nửa giờ. Chia ba lần uống trong ba ngày. Nếu không có cam thảo thì có thể thay bằng đường cho đủ ngọt mà uống
5 - Bọ ngựa: Loài sâu bọ có cánh, bay được, bụng to và có hai càng hình lưỡi liềm. Nhà văn Tô Hoài có nhân vật Võ sĩ Bọ Ngựa nổi tiếng trong văn học. Dân gian có câu: Đít bọ ngựa, nói phụ nữ có hai mông cong vểnh ra như đít con bọ ngựa. Bọ ngựa còn được gọi là Ngựa trời.
Đơn thuốc có bọ ngựa:
+ Bọ ngựa: Tên gọi khác là Đường lang – Tính vị: ngọt, bình tính, không độc
+ Tổ bọ ngựa trên cây dâu: tên khác: Tang Phiêu diêu – Tính vị: Ngọt, bình tính, không độc- Tác dụng: chữa trẻ con kinh phong, co giật (Tuệ Tĩnh toàn tập)
6 - Mã liều:
Tên khác: Nghể răm – Tên khoa học: Poligonu Odoratum Lour. Họ rau răm Poliogonacae. Tính vị: Đắng, cay, không độc, ấm. Tác dụng: Giải độc thức ăn, chữa sưng lở, mụn nhọt, kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, đau bụng
7 - Mã tiên thảo: Loài cây thảo; hoa tía hợp thành một bông dài như roi ngựa dùng làm thuốc. Ngoài ra còn có một số loài thực vật và khóang chất có từ Mã dùng là thuốc như Mã thầy, Mã tiền, Mã não…. Hay có từ ngựa như Ké đầu ngựa …
Song Kiều