Vị ngọt, béo của cháo, giòn giòn, đăng đắng của rau, thêm một miếng thịt lươn chấm vào nước chấm nữa thì thực khách cảm nhận “tròn vị” của món ngon dân dã: lẩu cháo lươn đồng môn ngọt.
Nguyên liệu chính cho nồi cháo lươn môn ngọt
Lươn đồng là thực phẩm rất phổ biến tại Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu có dịp về miền Tây vào buổi chiều tà, chú ý quan sát nơi bờ ruộng hay dưới lung bàu, ao, đầm đầy những cỏ, chúng ta thấy từng tốp thanh niên vác trúm đi trên bờ mương hoặc đi xuồng vào sâu trong cánh đồng để đặt trúm.
Sau khi tìm những địa điểm thuận lợi, họ đặt trúm xuống nước và chờ khoảng nửa đêm ra đồng thăm trúm. Một người có khoảng 20 - 30 ống trúm. Nếu trúng luồng, mỗi đêm có thể thu hoạch được 4-5 kg lươn là chuyện thường. Giá lươn hiện nay tại Cần Thơ khoảng 180.000 đồng/kg.
Đối với các bà nội trợ, lươn chế biến món nào cũng ngon như: xào sả ớt (xào lăn), xé phay, lẩu lươn, lươn dồi, khô lươn… Và trong chuyến đi điền dã tại Long Mỹ (Hậu Giang) vừa qua, tôi được một người quen đãi một món ăn đậm chất Nam bộ: lẩu cháo lươn đồng môn ngọt.
Khi nói đến tên món ăn, tôi hơi tò mò muốn biết rõ tên một loại môn lạ. Anh bạn liền vui vẻ giải thích: “Môn ngọt (còn gọi là môn đúm), cây có hình dáng giống cây bạc hà, thân thấp và chắc. Phần mặt trên lá, phía chính giữa có một chấm nhỏ màu nâu (môn ngứa có chấm giữa màu trắng). Đúng như tên gọi của nó, môn ngọt có vị ngọt, làm món ăn nào cũng ngon như xào tép (thịt), làm bánh xèo, nấu canh chua, làm gỏi…”.
Muốn làm món này cần phải chuẩn bị các nguyên liệu sau: lươn đồng (400 gam), dừa nạo (300 gam, ít nhiều tùy khẩu vị), môn ngọt (300 gam), đậu xanh cà (100 gam), gạo (1/2 lon), sả, ớt, đậu phộng, cùng các phụ liệu khác (rau má, rau đắng, cải xanh, cải xoong).
Trước hết, lươn đồng mua ở chợ (hay đánh bắt được) phải chọn lươn bụng có màu vàng, lưng có màu đen bóng nhẫy, không vết trầy xước, đuôi lươn dài và nhọn. Đập đầu cho lươn chết và dùng tro bếp (hoặc giấm chua) vuốt sạch nhớt. Mổ bỏ tất cả ruột, rửa sạch để ráo. Xoắn tròn lươn lại (không cắt khúc), dùng dây buộc chặt lươn để khi luộc được gọn và khi dọn lươn ra đĩa trông đẹp, bắt mắt.
Tiếp theo, dừa nạo vắt lấy nước cốt, chia làm 2 phần: lần thứ nhất lấy nước cốt đậm đặc (1 chén nhỏ) để riêng dùng làm nước chấm. Lần nhì, đổ nước vào xác dừa lấy phần nước dảo cho vào nồi (khoảng 1/3 nồi) bắc lên bếp cùng với sả cắt khúc (đập dập) nấu sôi cho có mùi thơm, rồi thả lươn vào nấu chín (khoảng 10 phút). Vớt lươn ra đĩa dọn sẵn cùng với rau. Cuối cùng, cho gạo và đậu xanh cà vào nấu nhừ. Nêm nếm gia vị (muối + bột ngọt) cho vừa ăn và nhắc xuống ngay.
Cho nồi cháo qua lẩu, dọn lên bàn để giữ được độ nóng. Khi ăn chỉ cần nhúng rau vào lẩu vừa chín tới, để rau có độ giòn, múc cháo vào chén dùng là xong! Nhưng nếu ăn chỉ có thế là một thiếu sót lớn.
Theo gia chủ, món nước chấm là một khâu quan trọng nhất tăng hương vị cho món ăn. Món nước chấm phải đầy đủ ngũ vị “mặn, béo, chua, cay, ngọt” gồm các gia vị như: nước mắm, đậu phộng rang (giã dập), sả băm, nước cốt dừa, đường, bột ngọt, ớt bằm với phân lượng vừa đủ, có độ sệt nhất định để khi miếng thịt lươn chấm vào ”bắt” mới ngon!
Cho miếng môn ngọt, rau má, rau đắng nhúng vào lẩu vừa chín tới. Gắp rau cho vào chén, múc cháo lươn lên trên và dùng muỗng húp từ từ. Vị ngọt, béo của cháo, giòn giòn, đăng đắng của rau lan tỏa trong miệng. Thêm một miếng thịt lươn chấm vào chén nước chấm nữa, thật là tròn vị ngon!
Lươn đồng là món đặc sản, có giá trị kinh tế cao được mọi người rất ưa chuộng. Đây là loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng và dược tính. Theo các nhà khoa học, trong 100 gam thịt lươn có 12,7 gam đạm, 25,6 gam chất béo, các vitamin (A, B1, B6…) và các khoáng chất khác. Theo y học dân gian, thịt lươn có vị ngọt, tính ấm tác dụng vào kinh mạch thuộc tì và thận, bồi bổ khí huyết, trị suy dinh dưỡng, bổ gan, xương, trừ phong thấp…
Theo TTO