Các loại nồi nấu chậm như nồi hầm hay nồi áp suất giúp tiết kiệm công sức nấu nướng, và đem lại những món ăn tốt cho sức khỏe hơn.
Sau khi cho nguyên liệu vào nồi hầm, bạn có thể rảnh tay chế biến các món ăn hay thực hiện những công việc khác. Đây là một giải pháp đơn giản và tốt cho sức khỏe để bạn có thể nấu nhiều món ngon cho gia đình.
Bên cạnh đó, thức ăn sẽ có nhiều mùi vị hơn do được nấu lâu hơn. Bữa ăn có hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn do có thể kiểm soát nguyên liệu.
Các món ăn chế biến bằng nồi ninh, hầm vừa tiết kiệm thời gian, vừa tốt cho sức khỏe. Ảnh: Halfbakedharvest.
Lợi ích của phương pháp nấu chậm
Các nồi ninh, hầm bằng điện ít tốn điện hơn lò nướng. Ngoài ra, phương pháp chế biến này còn đem lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên, trong đó có việc cải thiện chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn
Khi chế biến các phần thịt nạc, cách nấu nhừ giúp thịt mềm mà không cần xay ra hay thêm mỡ. Thịt nạc cũng thường có lượng chất béo thấp hơn, giúp giảm lượng calo của món ăn.
Thực phẩm được hầm trong thời gian dài trên lửa nhỏ sẽ mất ít chất dinh dưỡng hơn so với cách chế biến dùng lửa to như luộc, hấp. Đồng thời, bạn sẽ không bỏ phí các chất bổ nếu dùng món ăn cùng nước hầm hay nước sốt tạo ra trong quá trình hầm.
Việc sử dụng nồi hầm giúp bạn giảm lượng thức ăn sẵn tiêu thụ trong mỗi bữa ăn, hạn chế nạp muối và chất béo. Nhiều món ăn sẵn có thể được chế biến dễ dàng bằng nồi nấu chậm.
Nên nấu trong bao lâu?
Nếu một món ăn thông thường mất khoảng 15-30 phút, bạn có thể nấu 4-6 tiếng trên lửa nhỏ hoặc 1-2 tiếng trên lửa to. Thời gian nấu bình thường là 30 phút đến 1 tiếng thì nấu chậm là 5-7 tiếng trên lửa nhỏ hoặc 2-3 tiếng trên lửa to.
Các loại củ có thể lâu nhừ hơn thịt và các loại rau khác, do đó bạn có thể để chúng dưới đáy nồi.
Bí quyết
Khi mua một chiếc nồi nấu chậm, bạn nên cân nhắc số người ăn. Các nồi thường có kích cỡ từ nhỏ tới lớn và lòng nồi bằng sứ.
Hoàng Linh
Theo Huffington Post