Là món ăn hằng ngày của người Mông Cổ trên những bình nguyên rộng lớn, thịt ngựa được mệnh danh là “vô địch” về dinh dưỡng. Họ quan niệm ngựa là con vật rong ruổi khắp thảo nguyên nên không hề biết mệt mỏi, có thể chịu đựng mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Có lẽ vì vậy mà trẻ em Mông Cổ sinh ra chưa biết đi thì đã biết… cưỡi ngựa và uống sữa ngựa, dẻo dai, cường tráng bất chấp cái khô lạnh của miền đất mênh mông ấy.
NGON HẾT SẨY
Mới đây, tôi được bạn mời đi ăn thịt ngựa ở quán Seventeen Saloon (đường Phạm Ngũ Lão, Q1). Với các quý ông, việc đi thưởng thức ba ba, rùa, tôm hùm… đã quá quen thì “đánh chén” thịt ngựa là hoàn toàn mới mẻ và gợi trí tò mò về những chú ngựa lam lũ trên mọi nẻo đường đất nước.
Khác với tưởng tượng của chúng tôi, thịt ngựa được chế biến rất nhiều món, ăn có vẻ mềm hơn thịt bò và không dai. Nếu là người nghiện món (bò) lúc lắc khoai tây, bạn hãy thử món này ở Seventeen Saloon. Còn không, bạn hãy thử món thịt ngựa chế biến theo kiểu Napoleon, với thịt philê ướp gia vị chiên chín vừa, ăn kèm bánh mì và xốt rau đậu cắt hạt lựu. Món thịt ngựa xốt cà ri Tây Ban Nha được đầu bếp Seventeen Saloon chọn từ thịt đùi ngựa cắt thành từng miếng vuông và ướp cà ri.
Nhà hàng cao bồi này rất nổi tiếng với món thịt ngựa, giá mỗi kí chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng lượng khách quá lớn nên không có nhiều hàng. Mới đây, khi gọi ra quán để đặt món ăn thì chúng tôi mới tá hỏa là quán vừa công bố không bán thịt ngựa nữa.
Tại Sài Gòn, có một cơ sở mang tên Quang Phú ở đường Tôn Đản (Q4) chuyên cung ứng thịt ngựa, thậm chí mang tận nhà nếu mua hai kí trở lên. Ông chủ tên Quang cho biết, một kí thịt ngựa hiện giờ được bán là 280.000 đồng. Do thị trường thịt ngựa tiêu thụ tương đối chậm nên bên bán chưa đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thịt ngựa của Quang Phú cung cấp là thịt ngựa nuôi tại Long An, Tây Ninh, Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Một số nơi khác bán thịt loại một: 195.000 đồng/kg; thịt loại hai: 175.000 đồng/kg; gan-tim-cật: 120.000 đồng/kg; bao tử, đuôi, giò ngựa, ruột: 90.000 đồng/kg; “ngọc ngọ” tươi: 500.000 đồng/bộ.
Ở Đà Lạt hay nhiều tỉnh, thành miền Trung có nhiều xà ích chuyên nuôi ngựa để làm du lịch. Khi con vật thân thương này chết vì già yếu, chủ của nó thường chôn cất chứ không làm thịt vì tội nó. Vì vậy, nguồn cung này đang ít dần đi, nhất là đối với các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.
GIÀU CHẤT DINH DƯỠNG
Xà ích ở Đà Lạt không bao giờ ăn thịt ngựa
Lương y Nguyễn Thái Bình - Phòng khám Hoa Đà dược phòng (41/4E đường Tân Thới Hiệp 007, phường Tân Thới Hiệp, Q12) - cho biết, thịt ngựa rất giàu dinh dưỡng. Ăn thịt ngựa thì trẻ em sớm cứng cáp, nhanh nhẹn. Thịt ngựa có vị ngọt, tính nóng, có tác dụng bổ gân, cương cơ. Hàm lượng đạm (protit trong thịt ngựa rất cao) chứa 21% . Thịt ngựa cấp một nguồn E khổng lồ (100g thịt ngựa sau khi chuyển hóa cho ra tới 178 Kcalo). Ngoài ra, thịt ngựa còn cung cấp một lượng lipit đáng kể (7-7%), các muối khoáng và nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B. So với một số thức ăn bổ dưỡng quen thuộc của người Việt Nam, giá trị dinh dưỡng của thịt ngựa có phần nổi trội hơn về thành phần đạm, các chất khoáng và năng lượng cao. Vì vậy thịt ngựa rất tốt cho cơ bắp, tóc và da.
Nguyên liệu thịt ngựa
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa - ủy viên Hội Dược liệu TP. Hồ Chí Minh, thịt ngựa chứa 21,5% protid, 5-7% lipid, có vị ngọt, tác dụng bổ gân, cường cơ. Còn trong sữa ngựa, lượng protid là 2,1% (sữa mẹ: 1,5%), lượng lipid là 1,1%. Riêng các vitamin A, C trong sữa ngựa cao hơn sữa bò, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo, tiêu khát.
Bác sĩ Trương Thế Dũng - Trưởng đoàn bác sĩ từ thiện Niềm Tin (đường Bạch Đằng, P2Q. Tân Bình) thì nói thịt ngựa ngon và ít mỡ hơn bò, rất tốt cho bệnh nhân cần độ đạm cao để uống kháng sinh, chống chọi với cơn đau.
Thịt ngựa là món ăn khoái khẩu, nhiều chất dinh dưỡng nhưng tiếc rằng chưa phổ biến nên nhiều người chưa có dịp thưởng thức. Chỉ có nhiều quý ông hay la cà ở một số nhà hàng lớn mới ăn được món này, còn các quán nhậu bình dân thì không thấy bán.
An Hoà