Là tín đồ fast food, những món khoái khẩu của Huy (quận Bình Thạnh, TP HCM) là gà chiên ở KFC, gà sốt đậu Lotteria, pizza của Pizza Hut, hamburger tại Burger King, sandwich từ Subway... Chàng trai cho biết, thỉnh thoảng cả nhóm rủ nhau thưởng thức nhiều loại thức ăn nhanh khác nhau để thay đổi khẩu vị. Đặc biệt trong những dịp "đại tiệc hội" như khao học bổng, lễ Tết, sinh nhật, anh đều chọn các cửa hàng thức ăn nhanh để hẹn hò, tán gẫu.
Vừa qua, sinh nhật của một thành viên chung lớp đại học trùng với buổi khai trương cửa hàng MacDonal đầu tiên tại TP HCM, cả nhóm của Huy quyết định cùng nhau trải nghiệm những món mới ở đó. Từ sáng, nhóm gần chục chàng trai cô gái háo hức xếp hàng để chờ tới lượt mua thức ăn.
Mồ hôi nhễ nhại vì phải chen chúc gửi xe rồi chờ đợi trong thời tiết nóng bức của Sài Gòn, nhưng Huy thấy khá thú vị. "Lâu lâu được thay đổi không khí nên cả bọn rất hào hứng. Điều này làm mình nhớ lại không khí lúc cà phê Starbucks mới vào Việt Nam năm 2013, cả bọn hồ hởi xếp hàng từ sớm để được thưởng thức”, Huy chia sẻ. Ngoài các lý do trên, trở thành những người đầu tiên thử loại thức ăn nhanh ngoại mới vào Việt Nam cũng là cái thú với nhóm Huy.
Nhiều người TP HCM thường đến các tiệm thức ăn nhanh ở trung tâm thành phố vào buổi chiều tối để hàn huyên thưởng thức đồ ăn thức uống, xả stress và ngắm cảnh phố xá. Ảnh: Thi Trân. |
Ở các nước phương Tây, khi lựa chọn thức ăn nhanh, người ta nghĩ ngay đến tính tiện lợi, gọn nhẹ, làm sao "lấp đầy dạ dày rỗng" trong thời gian ngắn nhất, sau đó tiếp tục làm việc, học hành. Còn với nhiều người Việt Nam, fast food không chỉ là thức ăn nhanh, mà được hiểu đơn giản giống như đồ ăn vặt, thức ăn vỉa hè. Vì thế, khi du nhập vào Việt Nam, fast food nhanh chóng được đón nhận bởi phù hợp với thói quen dùng thức ăn đường phố, hàng quán của người dân.
Dù khá rành các món fast food của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Việt Nam từ hơn 10 năm nay, nhưng anh Tuấn Hà (quận 3, TP HCM) chỉ thưởng thức cho biết chứ không nghiền. Chỉ đến khi lập gia đình, 2 cô công chúa nhỏ thích ăn thì hầu như cuối tuần nào cả nhà anh cũng chọn các cửa hàng thức ăn nhanh làm điểm tụ họp gia đình.
Những dịp mua sắm cuối tuần, cả nhà anh Hà tranh thủ kết hợp ăn uống, cà phê tại các cửa hàng fast food trong siêu thị, trung tâm thương mại. “Cả tuần đã ăn xôi, bún, phở, hủ tiếu nên cuối tuần mình đổi vị. Cả nhà cùng quây quần trong một quán ăn sang trọng cũng thú vị. Đi ăn ở những nơi này mình còn tranh thủ dạy con ý thức xếp hàng, tự phục vụ khi đi ăn uống theo phong cách phương Tây. Một tuần chỉ ăn một lần nên chắc là nguy cơ sức khỏe cũng không nhiều”, ông bố trẻ tự trấn an.
Theo anh Hà, nhiều người bảo ăn thức ăn nhanh của các thương hiệu thế giới là “sính ngoại”, là “trưởng giả học làm sang”, nhưng bản thân anh không tán thành. Việc ăn thức ăn nhanh của các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Việt Nam cũng góp phần tạo thành một nét văn hóa trong ẩm thực thời hội nhập.
Cùng quan điểm trên, Thùy Linh (Phú Nhuận, TP HCM) là du học sinh từ Mỹ về tự hào bảo: "Mình là khách hàng ruột của các cửa hàng thức ăn nhanh đấy". Cô gái 27 tuổi nhớ lại, thời gian đầu qua nước ngoài, cô không ăn được đồ Tây, nhưng may mắn các món ăn fast food với hương vị thơm ngon, đẹp mắt nên có thể “đánh chén” thoải mái. Còn các cửa hàng mở tại Việt Nam đa số đều ở những mặt bằng khang trang, ở các góc ngã tư nên dễ dàng ngắm phố phường, trò chuyện cùng bạn bè mỗi khi gặp gỡ.
Tại TP HCM, trên nhiều tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Cộng Hòa… dày đặc các cửa hàng thức ăn nhanh. Mỗi thương hiệu có một thế mạnh riêng để chiều lòng thực khách. Phần lớn cửa hàng nằm ở những góc ngã tư rộng rãi, thu hút mọi ánh nhìn. Các thức ăn nhanh ngoại quốc khi vào Việt Nam đều được chế biến, “bản địa hóa” phù hợp với khẩu vị của người dân.
Tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 1997 tại trung tâm TP HCM, KFC đã giúp người tiêu dùng Việt lần đầu tiếp cận với loại hình fast food của thế giới. Sau đó hàng loạt thương hiệu như Lotteria, Burger King, Pizza Hut, Domino’s Pizza, Jollibee, hamburger Carl’s Jr, Dunkin’ Donuts and Baskin-Robbins, Popeyes Louisiana Kitchen, Subway, cà phê Starbucks, kem International Dairy Queen Inc... cũng dần khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam.
Chia sẻ với VnExpress.net, bạn đọc Hoàng Phúc trăn trở: “Thời buổi hội nhập thì phải biết ăn kiểu Tây và ăn kiểu ta, nếu không đi ăn kiểu Tây bao giờ thì mai mốt con cháu ra nước ngoài du học hay du lịch khi vào các quán ăn kiểu này sẽ lớ ngớ không biết đằng nào mà mua. Các cửa hàng ăn nhanh của nước ngoài vào Việt Nam ồ ạt như vậy, là yếu tố tất yếu của sự hội nhập quốc tế. Nhưng điều quan trọng là mình không bị hòa tan và biết giữ gìn bản sắc truyền thống ẩm thực Việt Nam”.
Trò chuyện về vấn đề này, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính, cơ sở TP HCM, cho rằng cuộc sống hiện đại quá bận rộn nên người dân ngày càng chuộng thức ăn nhanh bởi tính tiện lợi của nó. Không chỉ ngon, đa dạng về hương vị, các loại thực phẩm dùng nhanh đều được chế biến rất hấp dẫn, đẹp mắt. Mặt khác mọi người thích đến những cửa hàng fast food để có không gian ngồi ăn uống vui vẻ cho nhóm bạn bè, nhóm đồng nghiệp vào buổi trưa, dịp sinh nhật. Trong khi không ít bạn trẻ thích mua về ăn liên hoan hoặc đặt hàng qua điện thoại, Internet.
Song bên cạnh đó, nhiều người tìm đến với fast food chỉ vì tâm lý sính ngoại và thích đồ lạ hay do sự sang trọng của nơi đến ăn, của thương hiệu nổi tiếng thế giới. Đến đây dùng bữa, họ cảm thấy "oai hơn, chứng tỏ họ sành điệu hơn, sang trọng, hợp mốt hơn".
Xét về góc độ sức khỏe, nhiều nghiên cứu cho thấy thức ăn nhanh, đặc biệt là đồ chiên, rán có thể gây béo phì, tiểu đường bởi chứa rất nhiều mỡ, đường và lượng calo rất lớn. Một công trình nghiên cứu của Anh năm 2011 trên hơn 14.000 trẻ em cho thấy chế độ ăn với toàn thức ăn nhanh có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến trí não của bé. Những bé ăn nhiều khoai tây chiên, bánh quy và pizza trước 3 tuổi thì 5 năm sau sẽ có chỉ số IQ thấp hơn. Lý do là chế độ ăn nhiều chất béo, đường và thực phẩm chế biến sẵn chứa quá ít vitamin và chất dinh dưỡng, điều này đồng nghĩa với việc trí não của bé sẽ không thể phát triển đến mức tối ưu. Cũng trong năm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng khuyến cáo thức ăn nhanh lẽ ra không nên được bán tại trường học.
Các nhà tâm lý lo ngại, hiện nay nhiều bạn trẻ do đã quen với việc ăn vặt, ăn nhanh nên đến khi lập gia đình lại lười nấu cơm. Từ đó mất đi những bữa cơm gắn kết tình nghĩa giữa cha mẹ và con gái trong mái ấm của mình, khiến khoảng cách giữa các thành viên ngày càng xa nhau hơn.
Thi Trân - Lê Phương